Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2016

[VĨ ĐẠI DO LỰA CHỌN] - NHỮNG BÀI HỌC RÚT RA CHO TRADER TỪ CUỐN SÁCH CỦA JIM COLLINS

Jim Collins là nhà tư tưởng quản trị đương thời giàu ảnh hưởng nhất  theo đánh giá của tạp chí Fortune. Hai tác phẩm kinh điển về quản trị là "Xây dựng để trường tồn" và " Từ tốt đến vĩ đại" đã tạo nên ảnh hưởng của Jim Collins. Mỗi cuốn sách giải đáp một câu hỏi hóc búa nhất mà các nhà quản trị kinh doanh đối mặt. " Từ Tốt đến vĩ đại" nói về cách chuyển một kết quả Tốt thành một vĩ đại. Làm sao để trở thành một công ty vĩ đại. "Xây dựng để trường tồn" giải tiếp câu hỏi làm sao để giúp công ty duy trì sự vĩ đại của mình qua thời gian, bền vững theo năm tháng. 

Cuốn sách "Vĩ đại lo lựa chọn" là cuốn sách mới ra đời của Jim Collins vào năm 2011 và được dịch sang tiếng việt lần đầu vào năm 2014 lại xoáy đến một vấn đề hóc búa khác: "TẠI SAO MỘT SỐ CÔNG TY SỐNG SÓT VÀ PHÁT TRIỂN QUA NHỮNG BẤT ỔN, THẬM CHÍ LÀ HỖN LOẠN, CÒN NHỮNG CÔNG TY KHÁC THÌ KHÔNG." Jim Collin đã trả lời đúng câu hỏi mà các nhà quản trị kinh doanh, nhà đầu tư quan tâm trong bối cảnh môi trường kinh doanh liên tục xuất hiện các cuộc khủng hoảng trong vài thập niên gần đây. 1987-1997 và 2007, với mức độ tàn phá càng ngày càng nghiêm trọng.


Những phát hiện cực kỳ mới mẻ của Jim Collin đã tạo ra những kết quả hết sức bất ngờ và kinh ngạc:

- Những nhà lãnh đạo tốt nhất (của các công ty vĩ đại) không hề liều lĩnh, sáng tạo hơn hay có tầm nhìn xa trông rộng hơn so với những nhà lãnh đạo tại các công ty so sánh. Thực sự, những nhà lãnh đạo của công ty 10X (là những công ty có kết quả kinh doanh gấp 10 lần so với bình quân ngành trong 15 năm) kiên định hơn, thực tế hơn và biết sợ hãi hơn.

- Đổi mới dường như không phải là quân bài chủ chốt trong một thế giới bất ổn và hỗn loạn. Ngược lại, các công ty vĩ đại không phải là những người tiên phong trong đổi mới. Họ đi sau nhưng là người đến trước. Tiêu chí của các công ty vĩ đại "bám gót theo sau vừa kịp lúc và làm tốt hơn". Thật mù quáng để tin rằng, lãnh đạo trong một môi trường hay thay đổi đòi hỏi những hành động và quyết định nhanh chóng là cách tốt nhất để thất bại. Thực tế, những công ty vĩ đại ít thực hiện những thay đổi hơn khi đối mặt với những hoàn cảnh thay đổi nhanh chóng. 

Mặc dù cuốn sách trên là dành cho những nhà quản trị, nhưng công việc đầu tư nghiên cứu cổ phiếu buộc mỗi nhà đầu tư phải trang bị cho mình những tư tưởng quản trị cấp tiến để giúp tìm kiếm các cổ phiếu đầu tư hiệu quả. Một số bài học mà tôi rút ra được từ cuốn sách này sau khi nhìn lại những trải nghiệm của bản thân.

1/ "Chúng ta không biết được tương lai sẽ ra sao" . Thường thì chúng ta nghĩ rằng, các nhà lãnh đạo thành công trong một thế giới đầy náo loạn là những người nhìn xa trông rộng, táo bạo, tìm kiếm mạo hiểm.

Tuy nhiên, Jim Collins lại thấy những người lãnh đạo giỏi không có tầm nhìn ra trông rộng có thể dự đoán được tương lai. Họ quan sát những gì có hiệu quả, suy luận tại sao nó hiệu quả và xây dựng mọi thứ dựa trên nền tảng đã được chứng thực.  Có một hiểu nhầm gần đây về trường hợp của Steven Jobs đối với điện thoại Iphone. Nhiều người tin rằng, Iphone là một sản phẩm thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Jobs, cũng như khả năng tiên đoán của ông. Không thể phủ nhận tài năng của Steven Jobs trong việc cải tiến điện thoại di động và triết lý thiết kế của ông, nhưng thực tế là nhiều ứng dụng hoặc các công nghệ của Iphones là sản phẩm của người khác thậm chí của chính phủ, như công nghệ nhận diện giọng nói, màn hình cảm ứng, định vị GPS. Thực sự, mẫu thiết kế của Iphone và các công nghệ được sử dụng đã được Steven Jobs chuẩn bị sau khi rời khỏi Apple bằng việc sáng lập NeXT. 

Một số người còn cho rằng, mẫu thiết kế của Iphone được lấy ý tưởng từ những cá nhân hoặc các công ty khác như Sony. Đó có thể coi là trò ăn cắp. Trong cuốn tự truyện của Jobs, ông đã trích dẫn câu nói của họa sĩ Picaso, "Người giỏi thì sao chép còn Thiên Tài thì Ăn Cắp." Thực ra, công nghệ màn hình cảm ứng, triết lý đơn giản mà Jobs sao chép vì ông đã được chứng thực nó là tốt. Nhưng tài năng của Job là biến nó trở nên tốt hơn và mang đậm phong cách của ông.

Đối với cá nhân tôi, sau nhiều năm theo dõi các kế hoạch kinh doanh của công ty từ năm 2007 đến nay qua các buổi đại hội cổ đông, các buổi meeting, gần như nhận thấy ít nhà lãnh đạo nào tiên đoán được tình hình kết quả kinh doanh chính xác trong năm tới hoặc vài năm tới. Kể cả những người làm ăn lâu năm và có kinh nghiệm cũng vậy. Vào thời điểm 2009, rất nhiều người tỏ ra tôn sùng "Bầu Đức như là doanh nhân tài năng" là doanh nhân ít học nhưng quản lý hàng trăm thạc sĩ, tiến sĩ. 

Tôi còn nhớ khi gặp ông Đoàn Nguyên Đức trong các buổi gặp gỡ để thu thập tư liệu phân tích vào năm 2009 tại chi nhánh Hồ Chí Minh, ông tỏ ra rất tự tin về mảng cao su mà ông đang triển khai. Từ chỗ định hình triết lý trở thành một công ty bất động sản số 1 VIệt Nam, Hoàng Anh Gia Lai đã thoái dần lĩnh vực này và gia nhập sang lĩnh vực nông nghiệp. Giai đoạn từ 2006-2012, Hoàng Anh Gia Lai thực sự là ông lớn trong lĩnh vực Bất Động Sản và lợi nhuận của công ty phần lớn là từ lĩnh vực này nhờ quỹ đất giá rẻ. Nhưng thay vì, tiếp tục đầu tư quỹ đất để phát triển Bất Động Sản, từ năm 2009, Hoàng Anh Gia Lai đã bắt đầu đầu tư mạnh tay hơn vào Cao Su. Khi tôi hỏi ông Đức, "Tại sao ông lại có ý định làm Cao Su bên cạnh bất động sản?" Ông Đức không trả lời mà nói về triển vọng giá Cao Su và lợi nhuận có được khi cao su mang lại. [Ghi chú ngoài: Một số thông tin tôi thu thập lúc đó ch rằng Bầu Đức đầu tư vào Lào ở dạng trồng cao su là do chính phủ Việt Nam bảo trợ (BIDV) để duy trì mối quan hệ chiến lược với người anh/em Lào. Tôi từng nghe những tuyên bố rất mạnh miệng của Bầu Đức theo kiểu thực dân: "Đất Lào còn rộng để chiếm"]

Và nay thì đã rõ, 2014-2015, giá dầu và giá cao su lao dóc, Hoàng Anh Gia Lai Lao Đao vì nợ. Những thất bại trong nuôi bò, khoáng sản cho thấy vấn đề của Bầu Đức trong quản trị doanh nghiệp cho dù ông là một ông Bầu Bóng Đá nổi tiếng.

2/ "Thận Trọng, biết sợ hãi, và tiến lên từng bước chắc chắn" là điều mà Jim Collin rút ra từ những nhà lãnh đạo vĩ đại và đó cũng là điều mà tôi trải nghiệm thấy sau nhiều năm quan sát các câu chuyện kinh doanh trên TTCK Việt Nam. Jim Collins cho rằng, thay đổi nhanh chóng là cách nhanh nhất để chuốc lấy thất bại trong một bối cảnh luôn thay đổi hỗn loạn. Phương châm của các nhà lãnh đạo xuất chúng là từ từ quan sát xem cái gì đang xảy ra, ai đó làm như thế nào để đối phó với những thay đổi trong môi trường kinh doanh. "Bám gót theo sau vừa kịp lúc và làm tốt hơn" đó là tiêu chí của họ. Họ muốn có những chứng cứ đánh giá về những giải pháp mà đó đã thực hiện có thành công hay không rồi mới thực hiện. 

Thậm chí, những nhà lãnh đạo xuất chúng, còn tỏ ra sợ hãi, không dám mạo hiểm thực hiện những thay đổi. Họ không muốn công ty phát triển quá nhanh, mà từ từ từng bước một. Jim Collins đã nhìn thấy những đồ thị của các công ty phát triển nhanh về dài hạn lại bị bỏ xa bởi những công ty phát triển từ từ. Jim Collin sử dụng hình ảnh "20 dặm" của các nhà thám hiểm Nam Cực để nói về hành trình của các công ty vĩ đại. Các công ty vĩ đại không cố gắng phát triển nhanh trong thời kỳ bùng nổ của môi trường kinh doanh mà họ duy trì quy mô kinh doanh, cấu trúc tài chính ổn định để đạt được môt tỷ lệ tăng trưởng mà họ cho là chấp nhận được. Đồng thời, họ vẫn duy trì được tốc độ này kể cả trong bối cảnh khủng hoảng. Giống như những người thám hiểm Nam Cực, dù thời tiết thuận lợi hay bất lợi họ vẫn cố gắng đảm bảo mục tiêu 20 dặm mỗi ngày, như là cách nhanh nhất để tiến tới mục tiêu. Thực tế, nếu đi nhanh trong những ngày thuận lợi về thời tiết và chậm lại trong ngày thời tiết xấu thì họ sẽ bị bỏ lại phía sau đoàn thám hiểm 20 dặm.

Tôi từng chứng khiến sự bạo phát và bạo tàn của ngành kinh doanh chứng khoán (công ty chứng khoán). Năm 2006, hơn 100 công ty chứng khoán ra đời ở một thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất nhỏ bé. Sau cuộc khủng hoảng 2008, chỉ còn một số công ty trụ lại. Vì sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán và nhất là được chính phủ bơm tiền cho hệ thống ngân hàng. Công ty chứng khoán Thăng Long dưới sự bảo trợ của MB và CTCK Sacombank  (SBS) với sự bảo trợ của ngân hàng Sacombank đã thống trị thị phần môi giới vào năm 2009 như thế nào. Bằng cách phát triển nhanh dựa trên hoạt động margin mạnh tay, thiếu kiểm soát., SBS và Thăng Long trở thành hai đại gia của ngành và luôn dẫn đầu trong hệ thống môi giới tại thời điểm 2009. Đặc biệt sau màn phối hợp vào tháng 7.2009, SBS và Thăng Long là nơi "hô mưa gọi gió" đặc biệt trong mảng tự doanh.

Nhưng khi TTCK Việt Nam lao dốc năm 2010-2011, cách thức tăng trưởng này đã khiến cả hai công ty thua lỗ nặng và mất thị phần. SBS đến nay bị sát nhập còn CTCK Thăng Long thì đổi tên thành MB để xóa đi vết nhơ môt thời.

Trong khi đó, SSI, HSC hay Bản Việt vẫn đảm bảo sự ổn định trong thời kỳ mà SBS và Thăng Long phất lên, vẫn duy trì chiến lược quản trị rủi ro tốt và từ đó bắt đầu mở rộng thị phần khi hàng loạt công ty chứng khoán thua lỗ. 

Hay trường hợp của công ty Gỗ Trường Thành của ông Võ Trường Thành, chính tham vọng lớn và thiếu thận trọng đã đẩy TTF rơi vào hoàn cảnh bi đát như ngày nay. Vào thời điểm 2007-2008, khi TTF niêm yết trên sàn, nhiều người kỳ vọng rất lớn vào đại gia ngành gỗ này. Là công ty chuyên ngành gỗ cao cấp, TTF rơi vào thua lỗ do cuộc khủng hoảng 2008 đã thay đổi hành vi tiêu dùng của người Châu Âu (từ cao cấp sang bình dân).  Trước đây, TTF chỉ nhập gỗ Teak để sản xuất hàng cao cấp. nhưng từ năm 2010-2011, phải nhảy sang các loại gỗ bình dân như gỗ cao su, tràm. Và tồn lớn loại gỗ Teak đã được công ty nhập nhiều trước đó (suốt gần 10 năm, nhu cầu hàng cao cấp tăng trưởng mạnh nên Gỗ Trường Thành quyết định "đánh lớn" để ăn đậm). Không ngờ, khi thời thế thay đổi đột ngột, Gỗ Trường Thành đã không kịp trở tay và phải tồn một lượng hàng gỗ Teak lớn, trong khi phải tiến hành nhập các loại gỗ không chuyên, chưa chuẩn bị. Điều đáng nói, lượng hàng tồn kho này là do công ty đi vay về, nên khi kinh doanh thất thế, TTF dính lỗ lớn vì lãi vay.

Tham vọng của Ông Thành cũng hại ông khi Ông đã đầu tư theo phong trào. Từ 2007-2010, Ông Thành đã đầu tư sang lĩnh vực bất động sản hàng trăm tỷ đồng, nên khi thị trường BĐS khó khăn thì công ty càng bị lỗ kép. Bài học của ông Thành chính là tham vọng quá lớn, không kiểm soát.

Đáng lẽ khi dòng tiền còn khó khăn, Ông Thành nền từ tốn với kế hoạch trồng rừng vào năm 2011. Ông lại chơi bài toàn trồng rừng dài hạn 10 năm mới thu hoạch nên hiện nay, rừng vẫn chưa mang lại lợi nhuận cho công ty. Quá ôm đồm.

Đến năm 2014, TTF phải tái cấu trúc lại tài chính...Những tưởng công ty vượt quá khó khăn nhưng đùng một cái năm 2016 xuất hiện khoảng lỗ 1,000 tỷ từ hàng tồn kho gỗ Teak biến mất.

Nếu như ngày xưa, tôi ưa thích những doanh nhập nổi tiếng, mạnh miệng có chí lớn thì sau nhiều năm tôi lại thấy rằng, chính những con người thận trọng mà tôi cho rằng, sẽ không thành công lại có thành công vang dội. Vinamik và Mai Kiểu Liên, Dược Hậu Giang với Bà Phạm Thị Việt Nga...Những người sở hữu dòng tiền thặng dư lớn nhưng tuyệt nhiên không nhảy vào các lĩnh vực hot như bất động sản, tài chính, ngân hàng, chứng khoán cho dù họ có thể làm được điều đó. Họ thận trong và chuyên tâm vào lĩnh vực mà công ty am hiểu và giờ đây, đây là những công ty thành công trên TTCK Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét