Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

PHÁT HÀNH SÁCH 'DIỆN MẠO MỚI CỦA VÀNG" (NEW CASE FOR GOLD) và PRE Order

  • Vì sao giá vàng sắp chạm ngưỡng 10,000 USD/oz?
  • Vì sao bạn nên sở hữu vàng ngay từ bây giờ để đối phó cho cuộc sụp đổ sắp tới.
  • Bạn nên sở hữu và tích trữ vàng như thế nào?
Tất cả, được tác giả James Rickards hướng dẫn trong cuốn sách "NEW CASE FOR GOLD (DIỆN MẠO MỚI CỦA VÀNG)"



Cuốn sách này được phát hành vào tháng 1.2017.  Liên hệ trực tiếp với bạn Huân theo phone 0977.697.420.

Giá bán cuốn sách là 250,000đồng.





LỜI GIỚI THIỆU


“Vàng là tiền”- một kết luận tưởng chừng như đơn giản nhưng đằng sau nó lại là cuộc chiến dai dẳng và khốc liệt giữa các ông trùm ngân hàng và công chúng trong suốt 2 thế kỷ qua. Vàng, trong suốt 3,000 năm đã thể hiện vai trò tiền tệ một cách chính thức và không chính thức. Không cần phải chờ đợi cho đến khi khoa học phát triển, ngay từ xa xưa, loài người đã nhận ra những đặc tính vật lý của vàng là phù hợp nhất để đóng vai trò tiền tệ.

Vàng được sử dụng như là tiền hữu hình từ 1,000 năm trước công nguyên cùng với bạc, ngũ cốc cho đến những thế kỷ 17 khi cuộc khủng hoảng đầu tiên trong lịch sử hệ thống ngân hàng thế giới xuất hiện (1694-1697).  Hệ thống bản vị vàng (tiền giấy đảm bảo bằng vàng) ra đời từ năm 1821 đến 1914 (chính thức là từ 1870 đến 1914), được xem là thời kỳ vàng của xã hội tư bản khi tạo ra giai đoạn ổn định giá cả lâu dài, tạo tiền đề cho công nghiệp hóa và bước đầu của toàn cầu hóa. Tỷ lệ lạm phát trung bình hàng năm từ 1880-1914 là 0.1% rất thấp so với giai đoạn 1946-2003 là 4.1%.

Vàng do đó trở thành kẻ thù của giới ngân hàng, vì nó trở thành xiếng xích đối với tiền pháp định trong việc mở rộng hoạt động tín dụng, cung tiền. Chỉ khi vàng bị loại bỏ ra khỏi hệ thống tiền tệ, những ông trùm ngân hàng mới có thể buông xúc tu của mình dưới dạng tăng trưởng tín dụng, cung tiền mà không gặp phải trở ngại nào và cướp lấy của cải của công chúng thông qua một loại thuế gọi là “thuế lạm phát”.  James Rickards gọi đây là “vụ trộm lớn nhất lịch sử loài người”. Vàng vì thế trở thành mục tiêu cần loại bỏ bởi giới ngân hàng. Và cách duy nhất là phải chứng minh: “vàng không phải là tiền.”

Bước ngoặt của hệ thống tiền tệ toàn cầu được đánh dấu bởi sự ra đời của FED (Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ) vào năm 1913. James Rickards, trong cuốn sách “Currency Wars: The Making of Next Global Crisis” vào năm 2011, mô tả 2 cuộc chiến tranh tiền tệ mà những ông trùm ngân hàng phát động nhằm tìm cách loại bỏ chức năng tiền tệ của vàng. Để làm điều này, Fed và BOE (Ngân hàng Anh Quốc) đã cố ý thiết kế một hệ thống bản vị vàng-tỷ giá bị lỗi tại cuộc họp Genoa vào năm 1922 nhằm đổ tội và quy kết cho vàng là nguyên nhân gây ra Đại Khủng Hoảng năm 1929-1933.

Những ông trùm ngân hàng còn mượn tay cả những nhà kinh tế học danh tiếng như Keynes để cáo buộc “vàng như là di dích dã man”.  Nhưng như James Rickards đã chỉ ra trong loạt cuốn sách của ông (“The Death of Money” (2014) và mới nhất là “New Case for Gold” (2016)), vàng không phải là nguyên nhân gây ra Đại Khủng Hoảng mà chính là chính sách tiền tệ tùy tiện và mang động cơ chính trị của Fed cũng như BOE mới gây ra cuộc khủng hoảng đó. Kỳ thực, Keynes là người ủng hộ triệt để bản vị vàng, ông chỉ phê phán hệ thống bản vị vàng bị lỗi mà FED và BOE cố tình thiết kế ra để tạo ra vu khống cho vàng. Tuy nhiên, lời nói của ông đã bị biến tướng bởi nhóm bài trừ vàng.

Cùng với sự phát triển của chủ nghĩa trọng tiền, đứng đầu là Milton Friedman, giới chức ngân hàng đã ủng hộ cho nhóm này để tuyên truyền hàng loạt luận điêu bài trừ vàng. Thật may mắn, cuốn sách “New Case For Gold” của James Rickards giúp chúng ta hiểu đúng về bản chất tiền tệ của vàng, hiểu rõ sự ủng hộ của nhà kinh tế học lừng danh Keynes đối với vàng.

Hệ thống tiền tệ toàn cầu của chúng ta hiện nay được hình thành từ năm 1971-1973 sau chiến thắng rực rỡ của giới ngân hàng trước vàng, bằng việc Tổng Thống Nixon xóa bỏ việc neo đồng đôla vào vàng. Cùng với đó là các đồng tiền khác trên thế giới không còn neo vào vàng và cơ chế tỷ giá thả nổi được áp dụng. Đồng Đôla trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu nhờ sức mạnh của dầu mỏ trong một thỏa thuận bí mật giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út mà dầu mỏ chỉ được bán bằng đồng đôla. Có thể gọi hệ thống tiền tệ thế giới hiện nay là hệ thống Petrodollar (Đôla dầu mỏ).

Từ đây, vàng được xem là một loại hàng hóa thông thường và luôn bị mỉa mai bởi những hàng loạt quan chức ngân hàng như Alan Greenspan, Ben Bernanke…rằng vàng chẳng có vai trò gì trong hệ thống tiền tệ ngày nay. Tuy nhiên, FED và BOE lại cất trữ hàng ngàn tấn vàng trong hầm vàng Fort Knox, được bảo vệ chặt chẽ bởi lượng lượng quân đội Mỹ. Một hành động kỳ quặc để bảo vệ một thứ “vô giá trị như vàng”.

Dưới hệ thống Petrodollar, Fed đã chiếm lấy vị thế thượng phong và thực hiện thao túng tiền tệ nhằm tạo ra lợi thế cho họ. Kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008, Fed đẩy hàng nghìn tỷ USD vào lưu thông tiền tệ qua 3 vòng nới lỏng định lượng (QE) tạo nên những đợt lạm phát mạnh, gây ảnh hưởng xấu đến nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Một cuộc chiến tiền tệ lần thứ 3 nổ ra từ năm 2010 khi Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu và cả Trung Quốc cũng chạy đua thực hiện các gói nới lỏng định lượng, bơm vào lưu thông hàng nghìn tỷ đôla, Euro, Yên Nhật, Nhân Dân Tệ và gây hỗn loạn toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu. Chiến tranh tiền tệ là cuộc đua tới đáy mà không quốc gia nào là người chiến thắng. Cuộc chiến tranh tiền tệ lần thứ 3 khác với hai cuộc chiến tranh trước là đang hủy hoại mạnh mẽ niềm tin của công chúng vào tiền giấy, không chỉ riêng đồng đôla mà hàng loạt các đồng tiền khác trên thế giới. Điều này đang đặt ra nguy cơ về sự sụp đổ niềm tin đối với tiền pháp định của hàng loạt quốc gia trên thế giới, đặc biệt là đồng Đôla. James Rickards nói: “ Cuộc chiến tiền tệ lần 3 có thể là cuộc chiến tranh tiền tệ cuối cùng- nghĩa là cuộc chiến tranh để kết thúc tất cả các cuộc chiến tranh tiền tệ. 

Trong cuốn sách “The Death of Money: The Coming collapse of the International monetary system” ra đời năm 2014, James Rickards chỉ ra sự sụp đổ niềm tin vào đồng đôla có thể làm sụp đổ hệ thống tiền tệ toàn cầu. Rickards phác họa kịch bản mà các cuộc chiến tranh siêu tài chính giữa Mỹ và liên minh Nga-Trung Quốc và tình trạng giảm phát như một hệ quả của việc sử dụng nợ thiếu kiểm soát trong hệ thống tiền tệ Petrodollar sẽ làm sụp đổ hệ thống tiền tệ toàn cầu. Đây là một kết cục không thể tránh khỏi vì muốn thoát khỏi tình trạng giảm phát hiện nay, một kế hoạch bỏ rơi đồng đôla đã được chấp thuận nhằm tạo ra siêu lạm phát. Thị trường sẽ sụp đổ vì mất niềm tin vào đồng đôla. Vàng được xem là tài sản nhằm sống sót qua thời kỳ hỗn loạn sắp tới.

Sự thực thì niềm tin đã bắt đầu lung lay, Trung Quốc và Nga là hai quốc gia đang ráo riết tích trữ vàng để chuẩn bị cho sự thay đổi của hệ thống tiền tệ quốc tế. Trung Quốc đang sở hữu hơn 3,000-4,000 tấn vàng trong kho hầm vàng Thượng Hải (thậm chí có thể còn cao hơn nhiều) mặc dù con số chính thức chỉ tầm hơn 1,000 tấn. Hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới đang ráo riết tích trữ vàng. Vàng chưa bao giờ bị lãng quên.

Khi Mỹ đang có ý định bỏ rơi đồng USD bằng cách tạo ra siêu lạm phát nhằm giải quyết núi nợ công hơn 18,000 tỷ USD và một số quốc gia như Trung Quốc, Nga, Iran, Ả Rập Xê Út…đang cố gắng thoát ra khỏi sự thống trị của đồng USD, thì việc tích trữ vàng là một hành động khôn ngoan. Lịch sử tiền tệ cho thấy, khi hệ thống tiền tệ cũ bị sụp đổ, các quốc gia sẽ ngồi lại đàm phán để “viết lại quy tắc trò chơi”cho hệ thống tiền tệ. Đây chính là điều diễn ra tại Hội Nghị Genoa vào năm 1922 và Hội Nghị Bretton Woods vào năm 1944. Để có một suất chính thức và có tiếng nói lớn trên bàn đàm phán, vàng là tấm vé quan trọng. Ai có nhiều vàng, người đó sẽ có vai trò quyết định của luật chơi mới. Ai có ít vàng hơn sẽ chỉ là những người ngồi cách xa bàn đàm phán và thậm chí là làm khán giả đứng ngoài cuộc chơi.

Cuốn sách “The New Case for Gold” của James Rickards vừa phát hành vào tháng 4 năm 2016 tại Mỹ mô tả vai trò của vàng trong hệ thống tiền tệ mới. Ông phác thảo dự phóng 10,000 USD -50,000 USD cho mỗi ounce vàng để giá vàng không gây ra hiện tượng giảm phát, một sai lầm mà Anh Quốc gặp phải vào năm 1925.

Không chỉ riêng James Rickards, một số nhà lãnh đạo chính trị ở Mỹ và phân tích tài chính trên thế giới đang cảnh báo về khả năng sụp đổ của hệ thống tiền tệ, và vàng trở thành một đơn vị tiền tệ được thừa nhận. Lúc này, giá vàng khi tính theo đồng USD sẽ ở mức rất cao so với hiện nay để phản ánh lượng tiền giấy được in ra trong cả 100 năm qua và khôi phục lại niềm tin vào hệ thống mới.

Năm 2012, Đảng Cộng Hòa đã xem xét việc Mỹ quay lại bản vị vàng.  Dựa trên cung tiền cơ sở của Mỹ ở khoảng 2,560 tỷ USD và dự trữ vàng là 262 triệu ounce. Theo đó, nếu neo giá USD vào vàng, giá vàng có thể lên đến gần 10,000 USD/oz với tính toán của Đảng Cộng Hòa.

Báo Thanh Niên số ra ngày 7/10/2016 trích dẫn dự báo của Christopher Wood, chuyên gia phân tích của CLSA, một nhà môi giới có trụ sở tại Hồng Kông dự báo giá vàng có thể được thiết lập cao hơn gấp 3 lần hiện nay, lên mức 4,200 USD/ounce, quy đổi ra khoảng hơn 100 triệu đồng/lượng. Cơ sở dự báo của ông là hệ thống tiền tệ hiện nay bị sụp đổ, với sự chấm dứt của tiền giấy do khủng hoảng niềm tin sẽ buộc giá vàng tăng lên 4,200 USD. Một con số thấp hơn dự báo của James Rickards nhưng vẫn rất cao so với giá vàng hiện nay.

James Rickards khuyến nghị  nhà đầu tư và người dân nên sớm sở hữu vàng vào ngày hôm nay để phòng vệ trước kịch bản sụp đổ hệ thống tiền tệ đang đến gần. Ông cho rằng, giá vàng hiện nay đang nằm ở mức thấp, và bị giảm giá trong 4 năm qua (từ 2011 đến 2015) là do hành động thao túng của Mỹ và Trung Quốc. Mỹ thông qua các biện pháp kỹ thuật thao túng như bán phá giá vàng vật chất, thao túng qua thị trường tương lai, các quỹ phòng hộ và kết hợp với nhau để kìm hãm giá vàng. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang cố tình chưa vội đẩy giá vàng lên vì họ muốn tích trữ vàng nhiều hơn nữa.

Trong cuốn sách này, James Rickards đã có lời khen tặng cho hành động sáng suốt của một số ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi, chẳng hạn như Jordan, Malaysia, Philippines và Việt Nam, đang tăng mạnh dự trữ vàng trong những năm gần đây như một công cụ phòng ngừa chống lại sự bất ổn của đồng đôla.

Việt Nam, hiện nay có khoảng 10 tấn vàng trong quỹ dự trữ theo nguồn tin công bố cựu Thống Đốc NHNN Nguyễn Văn Bình vào ngày 28/7/2015 tại Hà Nội (thực tế có thể nhiều hơn theo như động thái mô tả của tác giả James Rickards. Số vàng này sẽ chẳng thấm vào đâu so với 35,000 tấn vàng mà các ngân hàng trung ương trên thế giới nắm giữ. Vì vậy, Việt Nam cần tăng dự trữ vàng hơn nữa để đối phó cho sự thay đổi sắp tới của hệ thống tiền tệ. Đây là điều mà Trung Quốc và Nga đang làm.

Trong khi đó, theo ước tính của Hội Đồng Vàng Thế Giới, Việt Nam có khoảng 500 tấn vàng được người dân nắm giữ (khoảng 20 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại), là một trong 10 quốc gia trên thế giới có lượng vàng nắm giữ trong dân lớn so với quy mô nền kinh tế. Nếu số vàng này được chuyển giao cho nhà nước, đó là nguồn lực tài chính rất quan trọng để đảm bảo cho an ninh tiền tệ quốc gia khi hệ thống tiền tệ thế giới sụp đổ. Nhận thức rõ tầm quan trọng của vàng, Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến việc huy động 500 tấn vàng này. Trong phiên họp thường kỳ chính phủ tháng 6.2016, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho Ngân Hàng Nhà Nước thực hiện đề án Huy Động 500 tấn vàng trong dân. Có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến chủ đề này, người đồng ý và người phản đối. Một số ý kiến đồng thuận đưa ra một số giải pháp như hình thành sàn vàng quốc gia, chứng chỉ vàng…

Tất cả giải pháp này đều mang tính chất kỹ thuật mà bỏ qua bản chất thực sự của vàng. Vàng là tiền. Bất cứ loại tiền nào tồn tại được phụ thuộc vào “niềm tin” của người dân với cơ quan phát hành ra đồng tiền ra nó. Điều này đúng với cả những dạng cổ xưa của tiền như vỏ sò cho đến vàng, tiền giấy và một số đồng tiền điện tử mới xuất hiện ngày nay như Bitcoin. Tác giả James Rickards cho rằng, việc sử dụng vàng trong hệ thống tiền tệ cũng chỉ để giải quyết vấn đề khủng hoảng niềm tin. Khi người dân mất niềm tin vào tiền giấy, thì vàng là giải pháp hữu hiệu để khôi phục lại niềm tin đó. Niềm tin của người dân vào tiền pháp định không chỉ ở các vấn đề kinh tế như sự mất giá của đồng tiền, kỷ luật ngân sách…mà còn uy tín của chính phủ trong hàng loạt các vấn đề chính trị-xã hội.

Những hàm ý trong cuốn sách này đưa đến những giải pháp mới mẻ cho chính phủ Việt Nam trong vấn đề huy động vàng. Lịch sử nước Mỹ cho thấy có một bài học thú vị cho việc huy động thành công số vàng trong dân mặc dù được thực hiện bằng mệnh lệnh hành chính chứ không phải bằng các biện pháp kỹ thuật. Vào ngày 5 tháng 4 năm 1933, khi Tổng Thống đắc cử Franklin D.Roosevelt ra sắc lệnh tịch thu sung công số vàng của người dân Mỹ, người dân Mỹ đã có một thái độ ủng hộ sâu sắc. Rickards viết: “có một niềm tin lớn vào chính phủ và người dân tin rằng vị tổng thống của họ biết phải làm điều gì là tốt nhất cho lợi ích của nước Mỹ. Nhiều người Mỹ cảm thấy rằng, nếu Tổng Thống bảo họ đưa vàng, họ sẽ đưa ngay. Người dân Mỹ xem hành động giao vàng cho chính phủ như là một thể hiện của tinh thần ái quốc”. Việc chuyển giao vàng từ người dân sang phía chính phủ Mỹ diễn ra tốt đẹp và chóng vánh, đúng hạn trước ngày 1 tháng 5 năm 1933 (gần 1 tháng) như yêu cầu của sắc lệnh mà không cần phải dùng đến các biện pháp cưỡng chế (Sắc lệch có quy định ai vi phạm sẽ bị phạt 10 năm tù giam và 25,000 USD -một số tiền lớn thời đó). Cần nói thêm rằng, sắc lệnh tịch thu sung công vàng ra đời trong bối cảnh nước Mỹ chìm sâu trong Đại Suy Thoái với đình trệ kinh tế, thất nghiệp cao, người dân bị khủng hoảng niềm tin. Nhưng chính trong hoàn cảnh khốn cùng này, sự xuất hiện của Tổng Thống Franklin D.Roosevelt (là Tổng Thống duy nhất của Mỹ đắc cử tới 4 lần cho thấy uy tín lớn của ông) như một vị anh hùng trong truyện cổ tích, đã mang lại cho người dân mỹ sự tin tưởng, hy vọng và sự đoàn kết. Franklin D.Roosevelt nổi lên như là một nhà lãnh đạo yêu nước, kiên cường, có tầm nhìn và năng lực lãnh đạo được người dân yêu mến.

Việt Nam, với lịch sử 4,000 năm dựng nước và giữ nước, có thừa truyền thống đoàn kết trong những thời khắc khó khăn nhất. Trong thời kỳ kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc, nhiều người dân đã tự nguyện góp vàng cho chính phủ cách mạng non trẻ của Việt Nam với mong muốn giành được độc lập và phục hưng quốc gia. Điều này có thể tái diễn một lần nữa nếu như chính phủ Việt Nam giành được lòng tin từ phía người dân.

Mục đích của tôi khi biên dịch bộ sách của tác giả James Rickards với mong muốn đem đến hiểu biết mới về những thay đổi sắp tới trong hệ thống tiền tệ toàn cầu. Theo đó, vàng đang trở lại vai trò trung tâm trong hệ thống tiền tệ mới. Người dân và các nhà đầu tư nên sở hữu vàng trong danh mục nhằm bảo vệ giá trị tài sản của mình và đây là quyền hợp pháp mà phía chính phủ Việt Nam nên tôn trọng và tạo điều kiện. Thực tế, một số quốc gia như Thụy Sĩ, Singapore, Úc đang trở thành điểm đến hấp dẫn của cất trữ vàng tư nhân từ nhiều quốc gia trên thế giới nhờ chính phủ bảo đảm cho quyền sở hữu vàng của người dân.

Cuốn sách này cũng đang ngầm ủng hộ cho động thái tích trữ thêm vàng của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam (điều mà tác giả James Rickards khen tặng là khôn ngoan) nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống tiền tệ trong quá trình biến đổi của hệ thống tiền tệ thế giới. Ngoài ra, cuốn sách còn gợi ý cho chính phủ Việt Nam nên thực hiện các giải pháp khôi phục niềm tin về sự minh bạch, tầm nhìn, khả năng lãnh đạo của chính phủ trước khi thực hiện vấn đề huy động vàng từ phía người dân. Việc thay đổi cơ cấu trong quỹ dự trữ quốc gia theo hướng tăng dự trữ vàng và giảm bớt sự lệ thuộc vào đồng đôla giống như Trung Quốc, Nga đang làm là một hướng đi cần được nghiên cứu.
Trong cuốn sách tiếp theo của bộ sách của James Rickards vừa xuất bản vào tháng 11 năm 2016, mang tên “CON ĐƯỜNG SUY TÀN- KẾ HOẠCH BÍ MẬT CỦA GIỚI TINH HOA TOÀN CẦU CHO CUỘC KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH TIẾP THEO” sẽ đưa ra nhiều kịch bản chi tiết hơn về quá trình sụp đổ sắp tới và những hướng dẫn cho nhà đầu tư để đối phó với kịch bản khắc nghiệt này.


Trương Minh Huy

2 nhận xét: